VN88 VN88

Oan hồn ngõ đá dốc

Mời các bạn đọc truyện oan hồn ngõ đá dốc truyện được cập nhật tại chuyên mục truyện ngắn hay của Truyen18.name.

Oan hon ngo da doc truyen ngan

Oan hồn ngõ đá dốc truyện ngắn

Tôi nhớ như in buổi sáng trước hôm xảy ra chuyện, tôi đã cảnh giác bảo thằng Hào:
– Phải coi chừng thằng cù lần. Nó sắp điên rồi.
Hào nheo mắt nhìn tôi một thoáng rất nhanh, rồi dõi ra biển, Hào nói lảng sang chuyện thời tiết:

– Tao đoán oi thế này khéo mai chột giời.
Ý nó không muốn tôi dây đến chuyện thằng Tú, thằng bạn nối khố của hai đứa tôi. Nhưng không dây sao được. Thế nào gọi là bạn bè? Tôi nói tiếp, gay gắt hơn:
– Nó đang mù, phải mở mắt cho nó. Không hay ho gì đâu!
Hào bật cười một tiếng ngắn ngủn.
– Mày nhất định làm bố trẻ nó đấy? Mày có giỏi đi can nó thử xem!
Không rõ từ thuở nào Tú đã mê mẩn bám theo cô bé Thơ mồ côi ở vạn chài này. Chuyện chúng nó, tôi tin có bàn tay của giời nhúng vào. Không vậy, ai lý giải được?
Hai đứa lớn lên cùng ở ngõ đá dốc. Cái Thơ ở với bà ngoại, thằng Tú ở với ông bố ngây ngây ngô ngô từ dạo vợ chết. Hồi Tú còn bé, bà Thạo, bà ngoại cái Thơ thương hại cảnh nhà Tú một bố một con nên thường kéo nó sang nhà chăm nom tiện thể, để hai đứa tha thẩn chơi với nhau đỡ tội. Thơ hơn Tú một tuổi. Ngày bé Tú vẫn nhoen nhoẻn gọi: “Chị Thơ ơi!”. Hai đứa quấn quýt nhau như chị em ruột thịt. Con bé mang hết tình yêu bản năng đàn bà mà chiều Tú. Lên bốn tuổi, con bé đã biết ôm gọn Tú trong lòng, bắt chước người lớn vạch áo cho “em bé bú tí , ru rín Tú mỗi cơn nó hờn dỗi. Lớn hơn chút nữa, cứ buổi chiều con bé lại nắm tay lôi Tú xềnh xệch ra bãi biển tắm táp. Đôi khi Tú chẳng buồn về nhà, hai ba ngày liền ăn ngủ bên bà Thạo với cái Thơ.
Tôi lại lớn hơn cái Thơ gần hai tuổi. Tôi chưa quên một hôm bắt gặp cái Thơ cho Tú ăn lạc bằng cách đặt những viên lạc luộc giữa đôi môi mím chặt. Thằng bé không được dùng tay, phải há miệng đớp đớp hạt lạc trên môi con Thơ như chú chim con chờ mớm mồi. Mỗi lần con Thơ nguẩy đầu dướn cao cổ lên, Tú lại nhăn nhó nài nỉ:
– Nào, nào, em ăn hết rồi. Cho em đi!
Tôi tình cờ đi tới sau lưng nhưng chúng nó không biết. Tôi thấy ghét quá, lừa tát thật mạnh lên đầu con Thơ để chúng vập mặt vào nhau. Chạy xa rồi tôi còn nghe hai đứa khóc ré phía sau. Con Thơ sưng trán bằng quả nhót, thằng Tú môi vều rớm máu.
Chỉ tới lúc dậy thì, con gái sớm biết xấu hổ, cái Thơ mới bỏ rơi thằng Tú. Vả lại trẻ con xóm chài cứ nhè Tú trêu ghẹo: “Hai vợ chồng là chông vợ hài… ” khiến Tú đỏ mặt tía tai, uỵch nhau chí chết. Không mấy khi mặt mũi chân tay nó không xây xước, bầm tím. Từ ấy trông thấy Thơ ở đâu, thằng Tú lỉnh ngay.
Khi Tú thành một chàng trai lừng lững với những bắp thịt nổi cuộn như chão dưới làn da nâu cháy, tôi chợt phát hiện thằng cù lần đã yêu, mà yêu thật mãnh liệt. Lúc ấy tôi chưa cưới vợ, cũng đang chết điên vì sa vào vạt lưới một cô giáo cấp hai ngoài thị xã. Đêm đến hai đứa tôi hay rủ nhau bỏ nhà ra bãi biển nằm khểnh trên bờ đá, tâm sự vụn. Một lần Tú thú nhận với tôi hay mơ thấy một người con gái ở xóm chài, được ôm ấp cô ta. Nhưng tên tuổi người con gái ấy, Tú không hé lộ.
Đầu năm ngoái, cái Thơ được người bác họ cho đi học lớp trung cấp nấu ăn trên Hải Phòng. Tú bỏ cả chài lưới, thứ bảy chủ nhật nào cũng giấu tôi, tót lên phố, thậm chí chỉ để nhìn cô bé một thoáng cho đỡ nhớ. Còn Thơ, hình như cô sợ sự săn đón ráo riết của Tú, nhiều bận cứ xua đuổi lẩn tránh, không chịu gặp mặt.
Rốt cuộc Tú đành phải thú nhận hết với tôi. Nó đau khổ nhưng quyết không chịu lùi bước. Nó nhờ tôi tác động giúp nó một tay. Tất nhiên tôi phải chiều bạn, tuy băn khoăn không hiểu tại sao Tú chọn lựa kỳ cục thế. Đồng ý cái Thơ có duyên, dễ coi nhưng hơn tuổi Tú, sau này vài con với nhau mới thấy rõ sự chênh lệch. Đàn bà chóng già, ai không biết thế. Vả con gái vạn chài mới lớn, mỡ màng như những con cá lanh tươi, lấy thúng đựng không hết, Tú chỉ cần ới một tiếng, khối cô lăn vào xin chết ngay. Đẹp trai, khỏe mạnh, giỏi cá lưới, nhà cửa đàng hoàng, có mỗi ông bố già lẩm cẩm dễ chiều, mặt hàng này thuộc diện a-còng chứ đùa ?
Một sáng chủ nhật tôi phải đèo nó lên Hải Phòng, tìm tới tận lớp dạy nghề nấu ăn của công ty X., chờ chực, làm thân với thằng cha thường trực mặt mũi đầy mụn, nhăn nhó như người táo bón kinh niên. Tú móc bao thuốc lá ngoại, đưa mời bằng cả hai tay lẫn nụ cười nịnh nọt trên môi.
– Mời anh xơi điếu thuốc với chúng em cho vui…
– Cảm ơn, tôi không hút. Yêu cầu các anh cũng đừng hút ở đây, tôi đang ho…
– Vâng… Sắp hết giờ lên lớp rồi anh nhỉ?
– Làm sao tôi biết được. Nhưng các anh gặp cô Thơ có việc gì ? Tôi đã nhắn hộ vào lớp, có thấy cô ấy ra đâu ?
– Chúng em người cùng xóm với Thơ. Bà cô ấy nhờ gửi lên ít ruốc cá cho cô ấy.
Tú giơ gói ruốc cá lên làm chứng. Món ruốc cá thu này vợ tôi làm cho thằng con mới biết ăn bột. Sáng nay, Tú nằng nặc đòi sẻ một nửa lọ đưa lên làm quà cho Thơ. Vợ tôi không dám từ chối, phải chiều. Thơm rưng rức vậy mà gã thường trực chun mũi làm vẻ khó chịu với mùi ruốc cá, kiểu những ông Tây sợ mùi mắm tôm của dân tộc lạc hậu.
– Dào ôi, gửi gì cứ để ở bàn. Của này không sợ người ta ăn mất đâu.
Rồi gã chỉ vào mặt Tú đánh tiếp một câu xanh rờn:
– Nói thật nhá, tuần nào nhà anh chả tạ sự chầu chực ở đây, tôi lạ chó gì. Nhân tình nhân ngãi cứ nói toạc ra. Sốt ruột ! Khóa trước có một cô xinh nhất lớp, chưa học xong đã bị nó rủ rê lừa bán sang Trung Quốc… Các anh đi sang bên kia cổng mà chờ hộ tôi.
Cái từ nó chung chung của gã thường trực rất thâm. Chẳng khác gã bảo chúng tôi chính là nó ấy. Tôi chỉ muốn đấm vào mặt thằng cha một quả. Nhưng Tú bấm tay tôi ra hiệu chào thua, rồi hai thằng kéo nhau ngoan ngoãn ra bên kia cổng đứng chờ. Nhìn nụ cười lấy lòng cha tắt ở trên miệng Tú, tôi càng sôi máu hơn. Cứ cười đi, từ nay cậu đừng hòng xui tôi giáp mặt thằng cha thường trực phải gió ấy lần nữa nhé! Cầu sao có lần hắn ra chơi Đồ Sơn, tôi sẽ trả nợ đủ.
Nhưng sự tình lại xoay sang hướng khác. Bẵng đi một tháng, tôi cùng Tú vào Quảng Trị tìm mộ anh cả tôi, khi về bỗng nghe tin sét đánh. Nó chưa kịp rủ rê đưa sang Trung Quốc thì cái Thơ đã đi đứt với tay giáo viên dạy nghề ở lớp học. Lằng nhằng với nhau hiện cái Thơ có mang, nhà trường mới biết chuyện. Anh giáo sau khi “truyền thụ sở trường xong, bị kỷ luật đã trốn mất tăm. Thơ không được học nữa đành vác bụng lại trở về vạn chài ở với bà ngoại.
Thằng Tú sau một hồi chết đứng như Từ Hải, nó lầm lì bảo tôi:
– Thôi cũng được. Tôi nhờ ông thuyết phục cô ấy hộ tôi. Phải cưới nhanh trước khi cái bụng ểnh ra, chướng lắm. Ông đã vợ con đàng hoàng, lời nói có trọng lượng, không chả chớt như thằng Hào, chắc chắn cô ấy nghe ông đấy.
– Nghĩ kỹ chưa ? Nó trót để xảy ra chuyện không hay, bây giờ mày sẵn sàng nhận làm bố đứa trẻ trong bụng nó chứ?
– Con cô ấy cũng như con tôi.
– Ông cụ lẫn cẫn đã đành, nhưng họ hàng nhà mày người ta để yên cho không ?
– Vớ vẩn. Tôi lấy vợ cho tôi chứ lấy cho họ hàng đâu?
Ngừng một lát, Tú nhìn lảng đi nơi khác, nói nhỏ:
– Vả tôi vẫn cay lắm. Cô ấy khéo hành tôi đến chết mất.
Đúng vậy. Dạo này Tú gầy rộc, hai mắt sâu hoắm, nhìn vào chỉ thấy phát ra thứ ánh sáng loang loáng sắc lạnh.
Tôi đi tìm gặp Thơ. Phải lần ra bãi đá từ lúc mặt trời chưa nhô khỏi chân mây tôi mới thấy cái dáng nhỏ nhắn của Thơ, cô đơn, lúi cúi quanh mấy tảng đá nhấp nhô. Thơ đi đánh hàu bán chợ sớm từ hôm thôi học.
Thơ không ngờ tôi đi tìm cô, đôi mắt to rất đẹp cứ chớp chớp bối rối, cái chìa hàu giống cái cuốc chim tí xíu chỉ chực rời khỏi tay.
– Anh tìm em có việc gì?
– Ra xem cô đánh được nhiều hàu chưa. Đưa anh hộ một lúc. Cô có nhớ nghề này chính anh dắt díu cô với thằng Tú theo không ?
– Làm sao em đã quên được. Ngày ấy vui quá anh nhỉ ? Mới hơn chục năm mà sao em thấy lâu thế ?
– Mười sáu năm chứ ít gì. Nhoáng cái sẽ lại đến lượt cu con nhà tôi xách xô ra bãi này.
– Hôm trước chị bế cháu sang thăm bà em, trông cu Tít kháu thật. Giống bố như đúc khuôn ấy thôi.
Tôi cầm lấy cái chìa hàu cùng cái ga-men nhôm méo mó trong tay Thơ. Cô vươn người đứng thẳng lên, xoay mình mấy cái cho đỡ mỏi. Tôi liếc nhanh cái bụng mây mẩy của Thơ, chợt ái ngại.
– Hai bà cháu đã túng, lại sắp thêm một đứa bé, trông cả vào mấy con hàu đủ sống sao được? Có cách tính gì khác không? Anh hỏi thật, đừng giận anh nhé, sao cô không đi quách bệnh viện cho sớm? Cái thằng thầy giáo chết tiệt ấy thực lòng gắn bó với cô đâu mà giữ với gìn ? Nếu vướng mắc, khó khăn không giải quyết được cứ sang bên nhà, bàn với vợ anh một tiếng xem sao. Cô ấy tốt bụng đấy.
Thơ im lặng.
Chúng tôi không ai nói gì thêm. Đã lâu lắm tôi lại cầm chìa nạy miệng những con hàu bám trên đá. Tự nhiên tôi thương Thơ đứt ruột. Những khi lủi thủi lần quanh mấy tảng đá này, liệu có lúc nào Thơ nghĩ đến chuyện gieo mình vào lớp sóng lạnh lùng kia không ? Giá tôi là anh ruột của Thơ, chắc tôi sẽ tìm bằng được để bổ thằng chó ấy vài nhát chìa này vào mặt. Bây giờ biết nó đi xứ nào? Tiếc quá, một đời con gái thơ ngây tội nghiệp!
Lúi húi một lúc, khi tôi ngẩng lên mới biết Thơ đã ngồi lại ở một tảng đá phía sau, đang lấy tay áo lau mắt. Tôi vứt cái ga-men cùng chìa hàu, đi tới ngồi cạnh Thơ. Đây là lúc tôi sẽ phải khuyên cô điều hơn lẽ thiệt. Cứ khóc đi nhưng đừng tuyệt vọng, em ạ! Vẫn còn mọi người chung quanh thương yêu em cơ mà. Hãy đón nhận tấm lòng chân thành của Tú. Hai đứa có cả một tuổi thơ gần gụi quý mến nhau, chắc chắn không ai thông cảm với em hơn nó. Bao lâu nay nó yêu em thế nào, em đã thừa biết. Nó sẵn sàng chấp nhận cả đứa bé trong bụng em, có nghĩa nó bất chấp mọi người, chỉ nghĩ đến em thôi. Vậy em do dự gì nữa?
Nghe tôi giảng giải, Thơ cứ lặng lẽ khóc. Gặng mãi cô mới lau nước mắt, ngập ngừng trả lời:
– Em nhờ anh nói hộ với Tú, em không thể chấp nhận. Em rất biết ơn Tú nhưng sống với nhau phải nghĩ chuyện lâu dài. Em hơn tuổi Tú cơ mà… Mệ em cũng vì hơn tuổi bố em mà bị ông bỏ rơi sau khi sinh em. Do đau khổ quá, bà bỏ đi biệt tăm bao nhiêu năm. Làng nước không ai biết cho, cứ trách mẹ em vô tình. Tới lúc chết, mẹ em mới gửi thư về xin bà ngoại tha tội. Không đời nào em lặp lại nỗi đau khổ của mẹ. Giờ em lại trót dở dang, Tú càng không nên theo đuổi nữa. Như vậy cả hai đứa mới đỡ khổ. Cứ để em chống chọi một mình, trả giá cho lầm lỗi của em. Em chịu được hết. Thực lòng bây giờ em chỉ mong Tú có một hạnh phúc trọn vẹn, xứng đáng. Đời Tú quá khổ rồi anh ạ!
Thơ đứng lên, tới nhặt cái chìa cùng ga-men nhôm, có ý chấm dứt câu chuyện giữa chúng tôi. Đi thật xa tôi mới dám ngoái đầu nhìn lại cái dáng chịu đựng nhẫn nhục của cô bé.
Sau hôm tôi làm đại sứ về, Tú lầm lì tựa cái bóng. Tôi rỉ tai thằng Hào, xui nó rủ Tú ra mấy nhà hàng ngoài bờ biển giải khuây. Tôi biết rõ ngoài đó các quán vừa đua nhau tuyển mấy em bé xinh như mộng, rất bắt mắt, để lôi kéo khách vào dịp khai trương mùa du lịch. Thằng Hào khì khì cười:
– Ông xui dại con. Vợ con ác chiến không kém công an một-một-ba đâu. Nháy mắt nó đã lù lù sau lưng. Ông định để con bị đánh dấu vào mông à ?
Tôi khích Hào:
– Đồ hèn ! Sợ vợ như sợ cọp, về nhà mặc váy cho xong. Ăn vụng thì học cách chùi mép, khó gì ? Hơn người ở chỗ ấy đấy.
– Vâng, ông ít sợ cọp, con rước ông đi ra ngoài đó “kiểm tra điền thổ “trước. Xem ông chùi mép kiểu gì, lúc ấy con xin học tập ông.
Chối vậy nhưng một buổi tối Hào bảo tôi đến nhà rủ Hào đi “tìm mua bộ lưới, chuẩn bị vụ làm ăn mới của chúng tôi . Như vậy Hào có cớ ra khỏi nhà một tối. Tôi rủ đi, vợ Hào sẽ khỏi lăn tăn.
Sáng hôm sau nghe tôi hỏi kết quả, Hào cười khẩy văng tục:
– Thôi nhé, từ nay xin ông tha cho con công tác kích dục gà trống thiến đi. Mất thì giờ với thằng cù lần, lại ngượng cả mặt với mấy con bé nhà hàng Bông Đại.
– Mày nói sao ?
– Đưa nó đến nhà hàng ấy yên tĩnh nhất hội còn gì? Vừa ngồi xuống chưa ấm chỗ bà chủ đã đon đả thiết kế xong hai em Cao Bằng mới đón xuống. Con bé tiếp thằng Tú da trắng bóc, có hai răng khểnh cực điệu. Nhưng thằng cù lần ngồi ngây cán tàn, mặt mũi đỏ tía, uống vã hết hai lon bia liền, không chịu đứng dậy vào phòng. Tao ngán quá. Cứ ngồi chường mặt suốt tối ở đây có mà bỏ mẹ. Tao ra hiệu giục nó mấy lần, nhưng nó làm bộ tảng lờ mới ức chứ. Điên tiết, tao quát vào tai nó: “Nào, bố có ăn đặc sản không thì bảo ? Nếu bố đến đây chỉ để ngửi thôi, con kính mời bố phắn khẩn cấp ! .
Tôi không nhịn được, cười phá lên.
– Tóm lại tối qua mày đếch chăn dắt nổi nó chứ gì ?
– Cái gì ? Nghe tao quát, thằng cù lần đứng phắt dậy, về “thẳng két . Mẹ kiếp, mấy em nhà hàng đang vắng khách, mừng hụt, mặt cứ thuỗn ra. Mụ chủ Bông Đại tha tế sống là phúc đấy. Tao ngượng chín người quẳng vội cả một trăm cho bốn lon bia, không dám lấy lại tiền thừa, chạy mất dép.
Thế này hết thuốc chữa. Tôi gặp Tú, nổi cáu, băm bổ mắng:
– Mày định giữ đau khổ cho đến thối ruột như con cá chết trương à ? Mở mắt ra nhìn xem, quanh mày thiếu giống con gái xinh đẹp nết na, cái Thơ còn lâu mới bám được gót chúng nó. Hơn nữa cái Thơ đã nói nhất quyết không chấp nhận mày, thế mà định chết khô giữ chữ Hiếu với bu mày? Đồ ngu! Làm thằng đàn ông chả sợ thiên hạ chửi mày đầu đất ! Mấy con cave tối qua chắc được một bữa cười bằng chết.
Tú không cãi, nó rên rỉ thừa nhận:
– Ông chửi tôi cũng đáng thôi. Nhưng lúc ấy tôi lại nghĩ đến Thơ. Không thể mó vào bất cứ ai được… Làm vậy chẳng khác tôi hèn hạ trả thù Thơ. Với tôi, cô ấy có tội lỗi gì đâu ? Các ông chưa hiểu hết lòng dạ cô ấy.
Đã vậy mặc xác mày ! Tôi thề không quan tâm tới chuyện riêng của nó nữa.
Chúng tôi vay vốn đại tu con thuyền. Cá mú mấy năm gần đây sợ bờ, hoặc giả chúng khôn ngoan biết tránh xa vùng nguy hiểm. Để vượt lộng tìm cá, phải đi giã đôi mới bõ. Chúng tôi quyết tâm mua bộ lưới mới, rủ thêm thuyền ông Cận, người vạn Ngang, đi giã đôi với chúng tôi.
Mọi thứ đã sẵn sàng. Vợ tôi với vợ Hào sắm lễ trình đền Cờn ngày rằm hôm trước. Mấy can nước ngọt, rau mắm, gạo nước đủ cả. Ngày khởi sự hẹn hò với thuyền của ông Cận định vào con nước sáng mười sáu.

Truyện ngắn oan hồn ngõ đá dốc Truyen18.name

Mấy bữa liền tôi gặp Tú ngồi một mình ngoài quán ốc luộc, cái chai rượu nửa lít luôn cạn đến đáy. Nguy hiểm thật ! Liệu nó còn hồn vía không đây ? Hy vọng trời biển sẽ lấy lại thăng bằng cho nó thì may quá.
Bốn giờ sáng hôm mười sáu tôi đến nhà Tú. Tôi với nó có nhiệm vụ khiêng giã lưới mới sắm ra thuyền. Trông thấy căn bếp sáng đèn, tôi biết Tú đã dậy. Tôi đằng hắng đe con mực khỏi sủa, đi vào sân.
Hóa ra ông Bổn, bố Tú, đã ngồi với cái điếu cày ở bàn nước từ bao giờ. Hai ngọn nến điện trên bàn thờ nhuộm đỏ lừ mọi vật lẫn ông già ngây ngô, giống cảnh phim Trung Quốc hay chiếu. Chúng tôi đã phân công vợ Hào mang cơm nước hai bữa sang cho ông. Tôi chào qua ông cụ cho phải phép rồi xuống bếp tìm Tú.
– Đi thôi chứ?
– Đi.
Hai đứa tôi khuân giã lưới ra sân. Khá nặng. Những sợi lưới mềm suội mát lòng bàn tay, chưa nhuốm mùi biển làm tôi phấn khích.
– Ôi giời, cứ như được sờ vào gái đồng trinh ấy.
Ông Bổn từ trong nhà hỏi vọng ra:
– Đi hở?
– Vâng.
Tôi nghe mình trả lời tựa một tiếng reo vui. Chúng tôi luồn thanh đòn vào giã lưới, lấy hết sức nhấc lên vai. Tú đi đằng trước. Nó ngoái lại dặn ông Bổn:
– Tí bố nhớ uống thuốc đấy nhé!
Chẳng đợi ông Bổn trả lời, hai chúng tôi lần lượt đi qua cổng ngõ nhà Tú.
Tôi nhớ hôm đó sương xuống nhiều. Không khí ẩm mặn bám vào da thịt mát rượi. Chung quanh làng chài còn thiêm thiếp ngủ, chỉ tiếng chân chúng tôi bậm bịch khuấy động cái ngõ đá dốc.
Bỗng nhiên đang đi Tú dừng lại đột ngột. Tôi loạng choạng dừng theo. Nghểnh cổ nhìn lên phía trước, tôi chợt nhận ra Thơ. Cô bé sùm sụp mảnh khăn hoa bịt đầu che ngang trán lẫn nửa mặt dưới, chỉ để lộ đôi mắt to đen, tay vẫn xách cái ga-men nhôm đi đánh hàu. Điều đập vào mắt tôi là cái bụng thây lẩy, dễ đã năm, sáu tháng. Thơ từ ngõ nhà cô đi ra. Oái oăm ở chỗ cái ngõ đá ấy đối diện ngõ nhà Tú và cả hai đều dồn về con đường nhỏ dẫn ra bãi biển. Ba chúng tôi gặp nhau đúng giữa ngã ba, không ai kịp né tránh.
– Các anh đi lưới đấy ạ.
Thơ lí nhí chào. Tú không trả lời. Còn tôi, tim tôi nhói lên một linh cảm không lành. Tôi lấy giọng bình thản đáp lại:
– Em ra bãi sớm thế? Đi trước đi!
Thơ hơi cúi đầu, vội bước dấn qua ngã ba, vợt lên trước chúng tôi. Chờ vài giây cho Thơ đi xa hơn, tôi khẽ ẩy cái đòn khiêng trên vai, ra hiệu giục Tú đi tiếp. Quái lạ, không những nó cứ ỳ tại chỗ mà còn trở vai đòn, đứng đối mặt với tôi, ra một lệnh ngắn gọn:
– Quay về!
– Sao? Sao phải về?
Tú không trả lời chỉ du đòn khiêng rất mạnh khiến tôi suýt ngã ngửa. Tôi vừa hốt hoảng trở vai lấy thăng bằng, Tú đã đẩy tôi bước đi. Nó đẩy tôi phăm phăm một cách đầy giận dữ. Thằng khỉ !
– Từ từ nào !
Mặt đường ngõ lát đá bập bỗng dưới bước chân chạy gằn của tôi. Nó định làm gì thế này?
Về tới sân nhà, Tú quẳng phắt giã lưới xuống đất, chạy ào vào bếp. Tôi chạy theo. Trên bếp than tổ ong, một nồi nước nóng đang nghi ngút hơi. Tôi vẫn biết Tú thường đặt cho bố nước nóng để ông cụ tắm rửa mỗi sáng. Ngỡ nó làm gì, nhưng tôi chỉ thấy nó mở nắp bếp cho lửa cháy mạnh hơn khiến nồi nước đột ngột réo sôi. Tôi yên tâm bỏ lên nhà kiếm điếu thuốc lào.

Thấy tôi, ông Bổn làu nhàu:
– Bảo nó thèm uống chè tươi phải chuẩn bị nấu từ sớm đi. Lại còn quay về!
Hóa ra dạo này ông lão tỉnh táo hơn trước. May cho thằng Tú. Nó thương bố không ai bằng. Tôi quý nó ở chỗ ấy.
– Con xin ông điếu thuốc.
– Hút đi.
Cái điếu nảy ro ro thật thích. Đang khoan khoái thở làn khói trắng tự nhiên tôi giật mình đánh thót. Một nỗi nghi ngờ thoáng nhanh trong óc tôi. Nó nấu nướng gì ? Chả lẽ…
Chạy vụt xuống bếp, tôi kịp nhìn thấy thằng Tú đang ngoáy vào nồi nước sôi sùng sục mấy cái đuôi cá đuối khô, một thứ của độc để dành mà dân đi biển thường giữ. Ôi trời, không thể như thế !
-Tú ! Mày điên à ? Thôi nào !
Giọng tôi lạc đi. Mặt thằng Tú tối sầm, đôi mắt long lên dữ tợn. Nó không trả lời tôi, lẳng lặng nhấc nồi nước ra khỏi bếp.
– Tú, mày… mày…
– Lui ra, đừng đến gần tôi !
Tôi chỉ còn cách đứng chắn ngay ở cửa bếp. Nhưng Tú lừ lừ tiến tới. Tôi thấy rõ hai hàm răng nó nghiến kèn kẹt quyết liệt, đôi mắt đỏ ngầu quắc lên. Nó sẽ hắt thẳng nồi nước sôi vào tôi đây. Theo bản năng, lập tức tôi nhảy lùi lại phía sau mấy bước.
Tất cả xảy ra trong chớp mắt. Thằng Tú chạy ào ra sân, tưới một vòng nước sôi quanh giã lưới. Thấy nó tới đến vòng thứ hai, nước sôi không còn mấy, tôi mới mê mẩn đá mạnh cái nồi trên tay Tú. Cái nồi bắn văng tới tận góc sân. Tôi lao vào ôm chặt lấy Tú. Như con thú mất mồi, nó vùng mạnh một cái khiến tôi ngã ngửa. Tuy mắt nảy đom đóm, tôi vẫn kịp nhìn thấy nó ôm đầu chạy biến khỏi ngõ.
Gượng ngồi dậy, tôi chạy đi tìm Hào. Tôi bảo nó cùng về vác lưới ra bến. Trên đường tôi kể vắn tắt mọi việc cho Hào nghe. Nó không ừ hử một tiếng, cũng chẳng tỏ vẻ đồng tình trước lời phê phán gay gắt của tôi.
– Thấy chưa, sáng qua tao đã bảo phải cảnh giác, nó sắp điên rồi. Giờ mày tin lời tao chưa ?
Lúc ấy, Hào mới nhẹ giọng hỏi lại tôi:
– Vào địa vị mày, mày làm khác được?
– Nhưng đấy là cái Thơ!
– Cái Thơ ? Vậy chúng tao là vỏ ốc à? Địa vị tao, tao cũng không thể làm khác thằng Tú. Ai chịu trách nhiệm, nếu có chuyện gì xảy ra hôm nay?
Tôi không buồn tranh luận.
Những người đàn bà chửa xóm chài phải hiểu một điều cấm kỵ không ai nói ra: Cấm xuất hiện ngáng đường hay sờ mó vật dụng của người chuẩn bị lên thuyền ra khơi. Nếu chẳng may vô tình vi phạm, sẽ khó thoát chuyện bị “đánh vía cho trụy thai bằng nồi nước sôi, đuôi cá đuối, cùng bài niệm bí hiểm ít được phổ biến. Đánh vía xong, những người đàn ông tin rằng họ sẽ thoát được vận xúi, điềm gở. Điều này chỉ là chuyện rỉ tai nhau giữa những người đàn ông dân chài, từ cổ xưa đến giờ.
Tại sao người đàn bà chửa lại mang điềm gở ? Chả ai giải thích rõ được. Ngay bản thân tôi, tuy ít tin những chuyện huyễn hoặc nhưng cũng không dại gì phản đối. Dân chài lênh đênh sóng gió, đối mặt với trăm ngàn bất trắc, hơn ai hết họ cần vững dạ, cần thanh thản bước chân xuống thuyền. Họ có kiêng kỵ cũng chẳng ai cấm được họ.
Nhưng đây là thằng Tú, đây là cái Thơ với đứa trẻ vô tội trong bụng. Tôi không thể ngờ Tú nỡ xử sự như vậy. Đơn thuần do mê tín, hay có cả lòng thù hận trong đó?
Sắp khởi hành, tôi mừng thấy Tú từ đâu chạy vụt ra bãi. Không ai nói lời nào, ba đứa tôi lặng lẽ lên thuyền. Bên kia đội bạn ra lệnh xuất phát. Tiếng máy côle sáu mã nổ giòn lấy lại sự hưng phấn của tôi. Xưa tôi xin nghỉ chân loong toong văn phòng ủy ban phường Vạn Hương, về đi lưới, chính vì sự nao nức mỗi khi con thuyền chồm qua ngọn sóng, bỏ lại rừng thông bờ đá phía sau, đối mặt phía trước chỉ còn biển cả bao la tít tắp chân trời… Lúc ấy gỗ đá cũng phải xao xuyến. Ai sinh ra từ xóm chài, khó lòng dứt bỏ được sự quyến rũ của biển đã ngấm trong máu thịt.
Giã lưới buông hết, chúng tôi neo thuyền. Mặt trời âm u ẩn sau mây. Thằng Hào nhặt rau, Tú nổi lửa bếp. Lúc này nghỉ ngơi, tôi mới kịp xem xét mấy nốt bỏng nước sôi ở bắp chân. Thằng Tú chợt nhận ra, có vẻ áy náy. Hào vô tình hỏi:
– Sao lại phỏng rộp ghê thế ?
– Thì đấy. May nồi nước còn ít, chứ không cầm chắc tao thối thịt.
Tú ngượng ngập:
– Người ta biếu ông cụ ít mỡ trăn. Rồi tôi đưa cho. Bôi vào khắc dịu lại ngay.
Tôi lườm Tú.
– Mày là thằng rồ hoa mướp ! Sẽ có lúc tao nện cho bằng tỉnh ra.
Nó im lặng vẻ hối hận.
Hãy hối hận đi ! Còn nhiều dịp cho mày hối hận nữa ! Mày sẽ phải trả giá cho hành động của mày ngay đấy thôi !
Quả vậy, sau khi ba đứa tôi ăn mừng thắng lợi chuyến đi giã đôi đầu tiên ngay tại quán bia ở bờ biển, rồi giữ chặt bọc tiền ai về nhà nấy, tôi chưa kịp ngả lưng nghỉ ngơi đã nghe tiếng xe máy của Tú rú rít ngoài sân. Nó hớt hải chạy vào, mặt xám ngoét, nói nhỏ với tôi:
– Ông đi lên Trung tâm y tế thị xã hộ tôi với! Thơ… cô ấy…
Tôi ngồi bật dậy, chẳng hỏi thêm, chạy vội ra xe máy đi cùng Tú.
Tú kể cho tôi nghe chuyện nó vừa gặp bà Thạo ở Trung tâm y tế thị xã về. Bà cụ nước mắt chứa chan cứ níu lấy Tú khóc. Đêm hôm qua, Thơ tự nhiên đau bụng quằn quại và có dấu hiệu sảy thai. Đứa bé sáu tháng chết ngay trong bụng. Lấy được thai ra nhưng mẹ nó bị băng huyết. Cô ấy yếu quá thỉnh thoảng lại ngất đi.
Chúng tôi vào phòng cấp cứu khu sản. Thơ nằm thiêm thiếp trên giường đang được truyền máu. Nhìn gương mặt xanh lét như tàu lá, tôi lo cô ấy không qua khỏi.
– Các anh là người nhà sản phụ ?
– Vâng, tôi là chồng cô ấy – Tú đáp luôn không đắn đo.
– Sao bà cụ nói cô ấy chưa có chồng ?
– Bà tôi lẫn cẫn. Cần gì bác sĩ cứ nói với tôi.
– Đêm hôm qua cô Thơ sảy thai, anh không có nhà hay sao ?
– Tôi đi lưới vừa về sáng nay. Tôi mang theo tiền đây, xin chị làm ơn cố cứu vợ tôi với.
– Được rồi. Anh ký vào giấy tờ này đã.
Chúng tôi ngồi canh chừng ống truyền máu theo lời chỉ dẫn của chị bác sĩ. Thơ vẫn chưa tỉnh. Tới giữa chiều, tôi ra ngoài kiếm bánh mì để hai thằng ăn tạm. Lúc mang hai ổ bánh với pa-tê về, tôi thấy Tú đang gục mặt vào bàn tay buông lơi của Thơ, đôi vai run lên lặng lẽ. Tôi quay ra ngoài, mặc nó khóc.
Để thức trông Thơ buổi đêm, tôi với Tú vào quán cà phê Trung Nguyên gần Trung tâm y tế làm mỗi thằng một cốc số tám cho sành điệu.
Thằng cù lần mặt mũi rầu rĩ đến thương. Nó cắm mặt vào cốc cà phê trong lúc thổ lộ với tôi. Nó nói rằng thực ra Thơ rất yêu nó, nhưng cô ấy không vượt qua được mặc cảm lẫn lo sợ. Nỗi đau khổ của bà mẹ trở thành một ám ảnh, án ngữ tình yêu của cô. Tựa hồ luôn có tiếng nói bảo rằng: cô là con của người bố tồi tệ, cô sẽ phải trả nợ cho bố cô, món nợ đúng như ông ta gieo vào đời mẹ. Và cô cố cưỡng lại điều khủng khiếp ấy.
– Ông tin không, Thơ giữ đứa bé trong bụng là cốt để tôi tuyệt vọng, đừng theo đuổi nữa, chứ cô ấy đâu có còn yêu thằng cha dạy nấu ăn. Nhưng tôi không thể sống thiếu Thơ được. Mặc kệ, bây giờ tôi quyết không chịu nhân nhượng cô ấy, muốn ra sao thì ra.
– Hãy lo cho nó sống được đã.
Nửa tháng trời Tú lăn lóc bên giường bệnh. Nó công nhiên đóng vai một anh chồng chu đáo. Tuy vậy tôi để ý hai đứa cùng tránh trò truyện riêng với nhau. Chỉ khổ tôi cứ phải kè kè bên cạnh Tú để làm chất xúc tác.
Ấy thế, Thơ dần dần vượt qua cơn hiểm nghèo. Da cô hồng hào trở lại. Tôi hy vọng khi Thơ trở về sẽ là ngày chúng nó sum họp sau bao nhiêu đau khổ gây ra cho nhau.
Nhưng rõ ràng số phận không chiều người. Ngày Thơ sắp bình phục, tự nhiên Tú đòi chúng tôi để nó tiếp tục đi biển. Nó bảo ngồi trên bờ nửa tháng, người ươn lắm rồi. Dăm ngày nó đi lưới trở về, vừa vặn đón Thơ ra viện.
Có thể do nó cần tiền lo cưới, hoặc trang trải viện phí, chứ tôi biết hạnh phúc nhất đối với nó bây giờ là được mọc rễ bên cạnh Thơ.
Ai ngờ Tú đi chuyến biển cuối cùng của đời mình.
Hôm ấy như có linh tính xui khiến, lúc ra bến, đi bên tôi Tú có vẻ bồn chồn khác thường. Tôi đùa trêu cho nó bình tĩnh:
– Tao tính rồi mày trở thành thằng dính vợ nhất xóm chài. Chưa xa nửa bước đã nóng ruột, có làm ăn con khỉ !
– Tôi không muốn để cô ấy ở một mình. Nói dại sau này tôi mệnh hệ gì, anh em hãy thương tôi, bảo bọc cô ấy nhé.
Tôi mắng nó gở mồm, đã định đuổi về, nhưng không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào tôi lại thôi.
Hôm ấy thuyền ông Cận có thêm người cháu họ tập sự đi khơi.
Thoạt đầu trời rất đẹp, nắng vàng ong mặt biển, không gian oi nồng như mọi ngày. Chỉ đến chiều gió bất ngờ nổi lên, chân trời ùn ùn những đụn mây đen vần vụ đầy đe dọa. Không dám chủ quan, cả hai thuyền vội hò nhau chạy hết tốc độ vào bờ.
Nhưng cuộc chạy trốn của chúng tôi thật thảm hại trước sự cuồng nộ của biển. Chỉ trong chớp mắt, một đám mù trắng xóa đã vây bọc chúng tôi và hơi lạnh ẩm ướt đột ngột khiến tôi sởn gai ốc. Tựa hồ bàn tay vô hình của thần biển đã sờ vào người tôi. Không còn nhìn thấy thuyền ông Cận ở đâu.
Vòi rồng !
Tôi nghe tiếng Tú thét thất thanh trong tiếng gió rít. Một cơn giông xoáy hình thành từ mạn phía đông. Nhìn ra đã thấy một phễu nước đen ngòm lừng lững tiến tới. Nó giống con rắn hổ mang bành khổng lồ, lắc lư thân mình lao tới trước. Tuy nó đi chệch qua, nhưng tôi biết ảnh hưởng của nó sẽ rất khủng khiếp. Chưa kịp trấn tĩnh, tôi đã mê mụ đi khi một ngọn sóng bất ngờ dâng lên cao, đổ ập xuống đầu. Trong cơn choáng váng kinh hoàng, tôi quờ được một mảnh ván thuyền.
Chuyến ấy cả giã lưới đôi lẫn thuyền đều trả nợ biển cả. Tôi với Hào may mắn được tàu cứu hộ vớt lên sau mấy giờ ngoi ngóp, vật lộn với cái chết. Nhưng Tú thì không… Thuyền ông Cận còn thiệt hại hơn, chỉ một mình ông ấy thoát nạn.
Sau cái ngày Tú không trở về, Thơ ốm quỵ đợt thứ hai. Chúng tôi đều hết sức chăm sóc, nhưng rốt cuộc chỉ cứu được phần xác cô ấy.
x x x
Ba năm trôi qua, bây giờ trẻ con xóm chài đã quen với cái dáng gầy gò thất thểu của một người cô gái ngớ ngẩn. Chúng không trêu chọc, thậm chí đôi khi gặp trên đường còn bẻ cho nửa cái bánh. Cô gái ấy lặng lẽ như cái bóng, suốt ngày tha thẩn ở bãi đá, ngóng ra biển như thể đợi ai. Chiều đến, vợ tôi thường nhờ lũ trẻ con hoặc ai đó dắt cô ấy về nhà, lo chuyện tắm táp, ăn uống, rồi chỉ vào tấm phản kê dưới nhà ngang dặn:
– Ngủ đi nhá! Tôi đã mắc màn, không được tháo ra nghe chưa ?
Cô gái ngước bộ mặt sớm tàn tạ nhìn vợ tôi, khẽ nhăn mặt, đầu gật gật ra ý đã hiểu.
Rất nhiều bận vợ tôi thở dài đánh sượt, ngao ngán hỏi:
– Chả lẽ… cứ phải thế này mãi ?
Mười lần như một, tôi đều dịu giọng dỗ dành vợ tôi:
– Ừ, trước mắt chịu khó thế đã. Tôi hứa với thằng Tú rồi…
Tuyệt nhiên tôi không muốn bao giờ phải đi qua cái ngõ đá dốc ấy. Ở đó chắc chắn có một oan hồn không siêu thoát được!

Xóm Núi, tháng 4/2006
Đ.L (Hết)

(Truyện ngắn hay nhất tại Truyen18.name)

VN88